Mùn bã hữu cơ là kết quả của quá trình phân huỷ các chất hữu cơ, có tác dụng lớn trong việc cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất cây trồng. Vậy mùn bã hữu cơ là gì? Nó được hình thành như thế nào? Ưu và nhược điểm ra sao? Hãy cùng Chế phẩm vi sinh Đức Bình theo dõi bài viết sau để khám phá tường tận về chủ đề này nhé!
1. Khái niệm mùn bã hữu cơ và sự khác biệt với mùn hữu cơ
Mùn bã hữu cơ được biết đến như sản phẩm trung gian trong quá trình phân huỷ các chất hữu cơ như phân động vật, lá cây, cành cây,… dưới tác động của các loại nhóm vi sinh vật. Bạn cũng có thể hiểu nó là hỗn hợp các chất hữu cơ đã bắt đầu quá trình phân huỷ. Tuy nhiên, quá trình này chưa hoàn toàn được chuyển hoá thành mùn hữu cơ.
Có rất nhiều người hay nhầm lẫn giữa mùn hữu cơ và mùn bã hữu cơ. Nhưng 2 khái niệm này vẫn có điểm khác biệt, cụ thể như sau:
- Về mùn bã hữu cơ: Mùn vẫn còn chứa khá nhiều mảnh vụn hữu cơ chưa được phân huỷ hoàn toàn (có thể nhìn bằng mắt thường). So với mùn hữu cơ, mùn bã hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng chưa cao bằng và màu nhạt hơn.
- Mùn hữu cơ: Đây chính là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân huỷ. Mùn sẽ có màu đen hoặc nâu sẫm, giàu chất dinh dưỡng và sở hữu khả năng giữ ẩm tốt.
Bạn có thể hiểu mối liên hệ giữa 2 loại này như sau: Giả sử bạn ủ phân compost, khi các vật hữu cơ mới được trộn vào ở giai đoạn đầu chính là giai đoạn hình thành mùn bã hữu cơ. Sau một thời gian ủ và các vật liệu này được phân hủy hoàn toàn thì sẽ bạn sẽ thu được mùn hữu cơ.
2. Quy trình hình thành mùn bã hữu cơ và các yếu tố ảnh hưởng
Quá trình hình thành mùn bã hữu cơ cụ thể như sau:
- Giai đoạn phân hủy sơ cấp: Các vi sinh vật sẽ bắt đầu phân hủy các hợp chất hữu cơ phức tạp có trong vật liệu ban đầu thành những hợp chất đơn giản hơn. Quá trình này sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và giải phóng nhiều chất dinh dưỡng như nitơ, photpho, kali… để cung cấp cho cây trồng
- Giai đoạn hình thành mùn: Các sản phẩm phân giải sơ cấp sẽ được vi sinh vật tổng hợp thành những hợp chất trung gian phức tạp hơn, tạo ra các hạt mùn. Quá trình này diễn ra khá chậm và tốn nhiều thời gian.
Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành mùn bã hữu cơ là:
- Các loại vật liệu hữu cơ: Vật liệu giàu carbon (chẳng hạn như lá cây khô, rơm rạ,…) sẽ phân hủy chậm hơn so với những vật liệu giàu Nitơ (chẳng hạn như bã đậu, phân xanh,…).
- Độ ẩm: Độ ẩm cần ổn định, quá cao hay quá thấp đều làm chậm quá trình phân hủy.
- Nhiệt độ: 25 – 35 °C là mức nhiệt độ lý tưởng để vi sinh vật hoạt động.
- Không khí: Vi sinh vật cần đủ lượng oxy để phân hủy chất hữu cơ.
- Độ pH: Độ pH phù hợp với hầu hết vi sinh vật là 6 – 8.
- Loại vi sinh vật: Các loại vi sinh vật khác nhau sẽ có khả năng phân hủy nhóm chất hữu cơ khác nhau.
3. Cấu tạo và thành phần của mùn bã hữu cơ
Mùn bã hữu cơ chứa một hỗn hợp phức tạp của các chất vô cơ và hữu cơ. Thực tế, thành phần chính xác của mùn bã hữu cơ sẽ được thay đổi tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu, thời gian phân hủy và điều kiện môi trường. Tuy nhiên, nhìn chung thì mùn bã hữu cơ sẽ gồm những thành phần sau:
3.1. Thành phần hữu cơ trong mùn bã hữu cơ
Thành phần hữu cơ bao gồm:
- Chất hữu cơ chưa phân hủy: Bạn có thể hiểu là phần còn lại của các vật liệu hữu cơ ban đầu (lá cây, rơm rạ, cành cây,…). Chúng chưa được vi sinh vật phân hủy hoàn toàn.
- Chất hữu cơ đã phân hủy 1 phần: Những chất hữu cơ này đã bắt đầu bị nhóm vi sinh vật phân hủy, tạo ra các hợp chất đơn giản hơn.
- Humin: Là 1 hợp chất hữu cơ khá phức tạp, có màu đen và không tan trong nước hay axit. Humin là sản phẩm cuối cùng của quá trình phân hủy chất hữu cơ, có tác dụng cải thiện cấu trúc đất.
- Fulvic acid: Là 1 hợp chất hữu cơ có màu vàng, tan được trong nước và axit. Fulvic acid có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng, giúp cây hấp thụ dễ dàng.
- Humic acid: Là 1 hợp chất hữu cơ có màu nâu, tan trong môi trường kiềm. Humic acid có khả năng giữ nước và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
3.2. Thành phần vô cơ trong mùn bã hữu cơ
Trong mùn bã hữu cơ còn gồm một số thành phần vô cơ như:
- Các nguyên tố dinh dưỡng: Photpho (P), Nitơ (N), Kali (K), Canxi (Ca), Magie (Mg) và các nguyên tố vi lượng khác. Những nguyên tố này sẽ được giải phóng trong quá trình phân hủy chất hữu cơ, rất quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng của cây.
- Khoáng chất: Silic, sắt, nhôm,…
3.3. Vi sinh vật trong mùn bã hữu cơ
Vi sinh vật là thành phần không thể thiếu, nó gồm:
- Vi khuẩn: Là nhóm vi sinh vật nhiều nhất trong mùn bã hữu cơ. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc phân hủy những chất hữu cơ phức tạp.
- Nấm: Tham gia vào việc phân hủy lignin và cellulose.
Lưu ý rằng thành phần mùn bã hữu cơ sẽ thay đổi theo điều kiện môi trường và thời gian. Khi ủ càng lâu, hàm lượng dinh dưỡng sẽ càng tăng.
4. Ưu và nhược điểm của mùn bã hữu cơ
4.1. Ưu điểm của mùn bã hữu cơ
Một số ưu điểm nổi bật của mùn bã hữu cơ là:
- Cải thiện cấu trúc đất: Mùn bã hữu cơ sẽ làm đất canh tác trở nên tơi xốp, thông thoáng và tạo điều kiện cho rễ phát triển.
- Cung cấp dưỡng chất cho cây: Trong mùn bã hữu cơ chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ tiêu hóa và các nguyên tố vi lượng, cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách từ từ và ổn định.
- Tăng cường hoạt động cho vi sinh vật: Mùn bã hữu cơ chính là nguồn thức ăn cho vi sinh vật đất kích thích chúng phát triển. Điều này giúp phân giải chất hữu cơ và cố định đạm.
- Bảo vệ môi trường: Bên cạnh đó, việc sử dụng mùn bã hữu cơ còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi người nông dân giảm phụ thuộc vào các loại phân bón hóa học.
4.2. Nhược điểm của mùn bã hữu cơ
Bên cạnh ưu điểm thì mùn bã hữu cơ vẫn tồn tại một số nhược điểm như sau:
- Hàm lượng dinh dưỡng chưa được cao: So với các loại phân bón hóa học, hàm lượng dinh dưỡng có trong mùn bã hữu cơ thấp hơn. Vì thế mà bạn cần bón cho cây nhiều hơn.
- Có thể chứa mầm bệnh: nếu không xử lý kỹ, mùn bã hữu có thể ẩn chứa những mầm bệnh gây hại cho cây trồng.
- Quá trình phân hủy chậm: Như đã nói ở trên, mùn bã hữu cơ cần tốn nhiều thời gian để phân hủy. Do đó, nó không phù hợp với những loại cây trồng cần dinh dưỡng nhanh.
- Khó bảo quản: Mùn bã hữu cơ rất dễ phân hủy nếu bạn không biết bảo quản đúng cách, nhất là trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao.
Tới đây, chắc bạn đã hiểu được mùn bã hữu cơ là gì rồi nhỉ? Mong rằng những gì chúng tôi chia sẻ ở trên trở nên hữu ích. Click vào link chephamvisinh.vn để truy cập vào trang web của chúng tôi và khám phá thêm nhiều thông tin bổ ích khác nữa nhé!
⫸ Xem thêm: Gợi ý phương pháp xử lý phế phẩm nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường
Founder & Author Đức Bình là chuyên gia hàng đầu về ngành Công nghệ sinh học, chuyên nghiên cứu và ứng dụng các loại chế phẩm sinh học.: Emzeo, trichoderma, EM gốc, IMO gốc, Đậu nành humic, Đạm cá humic … Xem thêm về Founder Đức Bình